Hướng dẫn cách làm thịt đông miền Bắc ngày Tết chuẩn vị
-
Người viết: Admin BHC
/
Mục lục bài viết
Thịt đông vẫn luôn được biết đến là món ăn truyền thống đặc trưng của ngày Tết miền Bắc, món ăn này mang đến hương vị đậm đà, hấp dẫn và cảm giác man mát khi ăn. Với những nguyên liệu quen thuộc như thịt chân giò, tai heo, mộc nhĩ, nấm hương cùng các gia vị đơn giản, món thịt đông không chỉ thơm ngon mà còn thể hiện nét đẹp ẩm thực cổ truyền ngày Tết. Hãy cùng Biên Hòa Consumer khám phá cách làm thịt đông chuẩn vị miền Bắc qua các hướng dẫn chi tiết để Tết này bạn có thể mang đến một món ngon trọn vị cho gia đình!
1. Nguồn gốc và ý nghĩa của món thịt đông miền Bắc
Mỗi dịp Tết đến, thịt đông luôn là món ăn quen thuộc, bên cạnh các món truyền thống như bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành.
Thịt đông là món ăn đặc trưng của mùa đông miền Bắc, thường được làm từ thịt chân giò, bì heo xào chung với mộc nhĩ, nấm hương và tiêu. Nhờ collagen trong bì heo, khi để một thời gian, món ăn này sẽ đông lại như thạch, tạo ra một món ăn vừa thơm ngon lại vừa mát.
Nhờ có cái lạnh của mùa đông miền Bắc mới giúp món thịt đông trở nên hoàn hảo, tự nhiên nhất. Người ta cho rằng thịt đông ra đời từ món chân giò hầm vô tình bị đông lại trong cái lạnh cuối đông đầu xuân, từ đó trở thành món ăn đặc sắc được truyền qua nhiều thế hệ.
Sự hòa quyện và kết hợp của các nguyên liệu trong món thịt đông còn tượng trưng cho sự may mắn và hòa hợp giữa các thành viên trong gia đình trong dịp năm mới. Món thịt đông đặc trưng của các gia đình miền Bắc như một lời chúc đầu năm mới, hi vọng các gia đình đều hòa thuận, bình an và vui vẻ.
Món thịt đông luôn xuất hiện trong mâm cơm ngày Tết của các gia đình miền Bắc
2. Nguyên liệu cần chuẩn bị để làm món thịt đông
Để món thịt đông được thơm ngon và chuẩn vị, khâu lựa chọn nguyên liệu đóng vai trò vô cùng quan trọng. Phần nguyên liệu tươi ngon và chất lượng sẽ làm cho nổi bật lên vị ngon nguyên bản của các nguyên liệu mà không cần nêm nếm quá nhiều gia vị cầu kỳ.
Nguyên liệu cần chuẩn bị (khẩu phần cho 4 người):
- 1 kilogram chân giò heo rút xương
- 300 gram tai heo (có thể thay bằng da heo)
- 50 gram nấm mèo
- 50g nấm hương
- 1 củ cà rốt
- 1 muỗng cà phê tiêu xay
- 2 muỗng cà phê Hạt nêm
- 1 muỗng cà phê đường Biên Hòa
- 2 muỗng cà phê nước mắm ngon
- 2 lít nước
- 2 củ hành tím
- 1 củ gừng
Các nguyên liệu chuẩn bị cho món thịt đông
3. Các bước thực hiện làm món thịt đông miền Bắc chuẩn vị
3.1 Sơ chế nguyên liệu
Bước 1: Sơ chế phần thịt chân giò và tai heo
- Trước tiên, cạo sạch phần lông và bóp thịt chân giò cùng tai heo với muối để loại bỏ mùi hôi, sau đó rửa lại nhiều lần với nước sạch.
- Tiếp theo, đun một nồi nước sôi, cho hành tím đã lột vỏ và gừng cắt lát vào. Khi nước sôi, cho thịt và tai heo vào chần với một ít muối trong khoảng 5 phút. Sau đó, vớt ra và ngâm ngay vào nước đá để tai heo giữ được độ giòn.
- Cuối cùng, thái tai heo thành sợi và cắt thịt chân giò thành miếng vừa ăn.
- Ướp thịt chân giò và tai heo đã sơ chế với nước mắm, hạt nêm, tiêu xay và hành khô băm nhỏ. Để thịt nghỉ trong ngăn mát tủ lạnh từ 20 đến 30 phút cho gia vị thấm đều.
Phần thịt sau khi sơ chế và ướp gia vị
Bước 2: Sơ chế phần rau củ
Ngâm nấm hương và mộc nhĩ trong nước ấm khoảng 15 phút cho mềm.
Dùng kéo cắt bỏ phần gốc của nấm mèo và nấm hương rồi rửa sạch.
Thái nấm mèo thành sợi mỏng, còn nấm hương có thể để nguyên hoặc xẻ một đường chữ thập trên mặt.
Cà rốt cắt thành khoanh vừa ăn và tỉa hoa để món thịt đông thêm phần bắt mắt cho dịp Tết.
3.2 Xào chín các nguyên liệu
Bước 1: Xào sơ phần rau củ
Phi thơm hành tím băm nhỏ, sau đó cho phần cà rốt tỉa hoa vào xào. Đến khi cà rốt săn lại, cho phần nấm mèo và nấm hương vào đảo nhanh tay. Nêm nếm với một chút hạt nêm cho đậm đà.
Lưu ý: Không nên xào chín kỹ vì sẽ làm phần cà rốt bị nát, khi tạo hình thịt đông sẽ không còn đẹp.
Bước 2: Xào chín phần thịt
Phi thơm hành tím băm nhỏ, sau đó cho phần thịt đã sơ chế vào xào săn.
Nêm nếm với các gia vị đã chuẩn bị sẵn như nước mắm, hạt nêm, hạt tiêu vào và đảo đều. Ở bước này, nếu bạn muốn làm tăng thêm vị ngọt tự nhiên cho phần nước dùng, có thể thêm khoảng 1 muỗng cà phê đường Biên Hòa để cân bằng vị.
3.3 Hầm thịt chân giò và tai heo
Sau đó khi đã xào săn thịt, cho thêm nước nóng vào, đun sôi và hạ nhỏ lửa để nấu liu riu. Nên mở vung khi nấu để nước thịt đông được trong và thanh hơn. (Nếu nấu ở nhiệt độ cao và đậy kín vung, collagen trong da heo dễ bị phân rã, làm nước bị đục và giảm đi tính thẩm mỹ của món ăn. Vì vậy, nấu liu riu sẽ giúp collagen chuyển hóa từ từ thành gelatin – chất keo tạo độ kết dính và làm thịt đông trong như thạch.)
Thời gian hầm khoảng 50-60 phút, tùy loại thịt, để thịt chín mềm và nước dùng ngọt tự nhiên.
Khi hầm nhớ chú ý vớt bọt để nước dùng có màu trong hơn.
Sau khi thịt đã mềm, cho phần rau củ đã xào sơ vào hầm chung khoảng 10-15 phút cho chín và ngấm phần nước dùng.
Hầm phần thịt với lửa nhỏ trong khoảng 50-60 phút
3.4 Tạo hình và để đông
Để phần thịt đông thành phẩm được đẹp mắt, xếp các phần cà rốt tỉa hoa xuống dưới đáy tô hoặc đáy hộp, bạn có thể trang trí thêm bằng hành lá hoặc ngò rí cắt nhỏ tùy theo sở thích. Sau đó mới múc từ từ phần thịt và nấm trong nồi nước dùng vào.
Khi cho vào nhớ dàn đều phần bề mặt để khi úp phần thạch được phẳng và đẹp mắt hơn.
Để phần thịt đông bên ngoài đến khi nguội hoàn toàn rồi mới bỏ vào ngăn mát tủ lạnh trong khoảng 4-5 tiếng để phần nước dùng đông lại thành thạch.
Thành phẩm món thịt đông sau khi đã đông lại
4. Mẹo để có món thịt đông hoàn hảo
Sau đây là các mẹo nhỏ để bạn chế biến món thạch đông ngon miệng và đẹp mắt cho ngày tết sắp đến!
4.1 Chọn các loại thịt
Công thức phổ biến của thịt đông là sử dụng thịt chân giò và da heo (hoặc tai heo). Nhưng nếu bạn không thích kết cấu của các phần thịt trên, bạn cũng có thể thay thế bằng thịt thăn hay thịt gà. Điều quan trọng để tạo nên sự đông đặc của nước dùng đến từ phần collagen của da heo, bạn có thể hầm phần da heo để lấy nước và tạo nên món thịt đông theo sở thích của mình.
4.2 Điều chỉnh độ đặc của thịt đông
Độ đông đặc của phần nước dùng trong món thịt đông đến từ phần collagen trong da heo được hầm trong thời gian dài. Nếu bạn muốn món thịt đông của mình có độ đông của thạch nhiều thì có thể sử dụng nhiều da heo hơn trong phần nước dùng khi hầm.
4.3 Bí quyết cho nước dùng trong veo
Để có phần nước dùng trong để khi thành phẩm phần thạch giữ được sự trong suốt đẹp mắt, ngoài việc chú ý về nhiệt độ như đã đề cập trên công thức. Bạn cũng có thể chú ý các mẹo nhỏ sau:
- Không nêm hạt tiêu khi hầm thịt vì khi múc nước dùng sẽ lẫn hạt tiêu (có thể rắc tiêu lên sau khi thịt đã đông lại).
- Chú ý vớt bọt liên tục trong khi hầm, việc này sẽ tránh làm cho nước dùng bị đục.
- Việc khuấy phần thịt hầm quá nhiều cũng làm phần nước dùng bị đục, nên các bạn hãy đảo nhẹ tay thôi nhé!
4.4 Cân bằng vị mặn ngọt với đường
Món thịt đông đặc trưng của miền Bắc này thì thường được nêm nếm đơn giản để tôn lên vị ngon tự nhiên của phần thịt và nước dùng. Bạn cũng có thể gia giảm thêm chút đường cho phần thịt khi hầm để làm tăng độ ngọt tự nhiên mà không làm giảm đi mùi vị hay màu sắc của món thịt đông. Với việc kết hợp đường tinh luyện Biên Hòa vào món ăn sẽ tôn lên vị ngọt dịu thanh nhẹ của phần nước dùng. Giúp món ăn bắt vị và hấp dẫn hơn.
Đường tinh luyện Biên Hòa giúp tạo độ ngọt tự nhiên cho món thịt đông
Nếu bạn muốn sử dụng đường nhưng e ngại những vấn đề liên quan đến sức khỏe thì đừng lo lắng vì đã có sản phẩm Đường ăn kiêng Isomalt - sản phẩm này giúp làm tăng độ ngọt tự nhiên cho món ăn nhưng hoàn toàn không hề ảnh hưởng và giúp giữ nguyên hương vị nguyên bản của các nguyên liệu.
Đường ăn kiêng Isomalt được nhập khẩu từ Đức và kiểm soát sản xuất theo tiêu chuẩn QLCL và ATVSTP Quốc tế
5. Biến tấu sáng tạo cho món thịt đông
Ngoài các công thức truyền thống, bạn hoàn toàn có thể sáng tạo thêm các món thịt đông với các nguyên liệu yêu thích của bản thân, làm cho mâm cơm ngày Tết càng trở nên đa dạng và phong phú.
5.1 Thịt đông với thịt gà
Nếu bạn không thích phiên bản gốc của món thịt đông được nấu bằng thịt heo, bạn cũng có thể thay thế phần thịt chân giò hoặc tai heo bằng thịt gà và sử dụng tai heo để nấu phần nước dùng cô đặc. Bạn có thể tham khảo những nguyên liệu cần chuẩn bị ở dưới đây:
- 1/2 con gà ta khoảng 1kg
- 300g da heo
- 100g nấm mèo
- 50g nấm hương
- 1 củ gừng tươi
- 2 muỗng cà phê hành tím băm
- Gia vị:Dầu ăn, hạt nêm, muối, tiêu xay, đường
Cách nấu cũng tương tự như món thịt đông truyền thống. Tuy nhiên nếu bạn không thích phần da heo, sau khi hầm chín bạn có thể vớt ra, chỉ lấy lại phần nước dùng và thịt gà để sử dụng.
Món thịt đông với nguyên liệu thịt gà, nấm mèo và nấm hương.
5.2 Thịt đông thêm trứng và rau củ
Bạn cũng có thể kết hợp các nguyên liệu thân quen khác cho món thịt đông của mình thêm đa dạng về màu sắc, làm cho mâm cơm ngày Tết thêm phần sinh động và rực rỡ. Các loại nguyên liệu đa dạng khác có thể kể đến như trứng, các loại rau củ như bông cải, đậu hà lan, bắp ngọt.
6. Cách bảo quản và thưởng thức thịt đông
Cách bảo quản thịt đông thơm ngon:
- Nên chia phần thịt đông thành nhiều hộp nhỏ và bảo quản trong tủ lạnh từ 5-7 ngày.
- Khi lấy ra sử dụng, bạn nên sử dụng hết phần thịt đông đã lấy ra, tránh việc để phần thịt đông đã rã nước vào tủ lạnh vì có thể gây ra tác hại không tốt cho sức khỏe.
- Không nên dùng phần thịt đông đã có dấu hiệu chảy nước hoặc nhớt.
Thưởng thức món thịt đông đúng cách:
- Món thịt đông khi thưởng thức có thể dùng kèm với dưa hành hoặc dưa cải chua để chống ngán.
- Vì món thịt đông thường được nêm nếm khá nhạt nên khi ăn bạn có thể dùng kèm chén nước mắm ớt ngon để tăng độ đậm đà nhé.
Vậy là bạn đã cùng Biên Hòa Consumer đi qua chi tiết công thức và quy trình thực hiện món thịt đông cho ngày Tết sắp tới rồi đó. BHC hi vọng rằng qua những công thức và mẹo nhỏ trên có thể khiến cho những ngày Tết sum họp bên gia đình của bạn càng thêm ý nghĩa và hạnh phúc.
Xem thêm các công thức nấu món thịt khác tại:
1. Cách nấu thịt kho tàu, thịt mềm, thơm ngon chuẩn vị